Robot khử trùng hành lang bệnh viện bằng tia cực tím, giúp loại bỏ mọi dấu vết của virus Corona. Robot giúp y tá trong việc quản ý các tác vụ thường nhật.
Ngoài ra, robot còn giúp mang thức ăn tới cho những người thuộc diện cách ly tại nhà, cũng như giúp cảnh sát cảnh cáo những người không chấp hành lệnh. Trong khi các nhà nghiên cứu đang liên tục phát triển và tìm kiếm các liệu trình điều trị cũng như vắc-xin cho virus Corona thì những nhà khoa học và kỹ sư lại đang “mài dũa” một thứ vũ khí khác, không kém phần quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch này: Robot.
“Bệnh dịch càng bùng phát, thì tiềm năng của robot học lại càng trở nên rõ ràng,” một nhóm nghiên cứu đã viết trên tờ Science Robotics vào hồi tháng trước. Họ cũng khẳng định rằng, robot còn có thể làm được nhiều hơn nếu các kỹ sư thực sự tập trung vào những nhu cầu cấp thiết nhất. “Ở thời điểm này, thứ ta cần là một cách tiếp cận toàn cầu, có khả năng duy trì về nghiên cứu robot học,” Guang-Zhong Yang – Viện trưởng Viện Medical Robotics tại Đại học Giao thông Thượng Hải chia sẻ.
ROBOT Ở CHIẾN TUYẾN
Một vấn đề quan trọng trong mọi công tác phòng dịch là giảm thiểu tối đa nguy cơ đối với các nhân viên y tế – những người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Bởi lẽ, nếu họ cũng nhiễm bệnh, thì sẽ chẳng còn ai điều trị cho những ca nhiễm tiếp theo.
“Nếu nhân viên y tế bị nguy hiểm thì tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng,” Tedros Adhanom Ghebreyesus – Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO khẳng định.
Chính vì vậy, Yang cho rằng, robot có thể thay thế nhân viên y tế trong một số trường hợp, ví dụ như khi thực hiện kiểm tra xem người bệnh có dương tính với virus Corona hay không. Điều này là vô cùng quan trọng, bởi lẽ, những người không có triệu chứng, lại hoàn toàn có thể là một nguồn lây bệnh. Còn robot thì không thể bị ốm, không cần ngủ, chỉ trừ khi chúng hết năng lượng.
Russell Taylor, một nhà robot học tại Đại học Johns Hopkins, với công trình phát triển một trong những robot phẫu thuật đầu tiên, tin tưởng rằng, robot y tế có thể rất hữu dụng trong môi trường hồi sức cấp cứu, đặc biệt là khi người bệnh có mức độ lây nhiễm cao.
Hãy lấy ví dụ một nhân viên y tế đang phải chăm sóc bệnh nhân mắc Ebola, họ sẽ phải mặc thiết bị bảo hộ trước khi vào môi trường lây nhiễm, sau đó lại phải vứt bỏ các trang thiết bị này khi kết thúc ca làm. Điều này là vô cùng tốn thời gian và công sức, trong khi nguy cơ lây nhiễm vẫn vô cùng cao.
Thay vào đó, theo Taylor, ta chỉ cần dùng một robot được điều khiển từ xa để tương tác với bệnh nhân, giúp quá trình trở nên an toàn hơn. Bởi lẽ, robot đương nhiên là miễn dịch, và có thể được khử trùng bằng các hóa chất mạnh, không giống như con người.
ROBOT HỖ TRỢ HẬU PHƯƠNG
Tuy nhiên, Bill Smart, một nhà robot học tại Đại học Bang Oregon lại cho rằng, các nhân viên y tế khó có thể bỏ qua việc tiếp xúc với người bệnh. “Yếu tố con người là một phần quan trọng trong công việc của họ,” ông nói.
Trong khi robot vẫn còn là một lĩnh vực đang trong quá trình phát triển, chăm sóc bệnh nhân lại là một quy trình rất phức tạp. Smart cũng cho rằng, robot nên hỗ trợ thay vì thay thế y bác sỹ, bởi lẽ lúc này “bạn không trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, và bạn cũng không loại bỏ hoàn toàn yếu tố con người trong khám chữa bệnh.”
Cụ thể, robot sẽ vẫn có thể hạn chế nguy cơ cho các nhân viên y tế bằng cách làm những công việc nhỏ, giúp giảm thiểu thời gian trong môi trường nguy hiểm cho các nhân viên y tế. Điều này có nghĩa là, ta có thể dùng drone để vận chuyển thuốc hoặc dùng robot để đưa thức ăn cho bệnh nhân. Ngoài ra, các robot cũng có thể khử trùng bệnh viện toàn thời gian, qua đó giảm nguy cơ lây nhiễm.
ROBOT TRONG QUÁ KHỨ
Xuyên suốt đại dịch Ebola kể từ năm 2014, Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ trực thuộc Nhà Trắng đã hợp tác với Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa kỳ để tổ chức các buổi workshop nhằm chỉ ra tác dụng của việc sử dụng robot. Tuy nhiên, khi đại dịch này được kiểm soát, thì mọi sự quan tâm và vốn hỗ trợ cho dự án cũng theo đó mà biến mất.
“Con người có sự chú ý rất ngắn hạn,” Robin Murphy, một nhà robot học tại Đại học Texas A&M bày tỏ.
Xu hướng chỉ tài trợ cho các vấn đề “nóng” đã khiến cho các nhà khoa học, kỹ sư, và nhân lực y tế không thể có được các thiết bị robot để sẵn sàng đối phó với các đại dịch mới. Đây cũng là một vấn đề thường gặp trong việc phát triển vắc-xin và thuốc trị liệu cho các bệnh truyền nhiễm. Cụ thể, theo các nhà khoa học, nếu các nghiên cứu về virus gây ra đại dịch SARS và MERS không bị “bỏ xó”, thì ta đã sẵn sàng hơn khi phải đối phó với Corona.
ROBOT Ở TƯƠNG LAI
Kể từ đại dịch Ebola, robot đã tiến những bước dài, thị giác máy tính đã hoàn thiện hơn, năng lực cảm ứng đã được cải thiện, còn trí tuệ nhân tạo thì đã trở nên thông minh hơn. Tất cả những yếu tố này đã dẫn đến xuất hiện nhiều tiềm năng ứng dụng robot hơn.
Theo Murphy, hiện nay, đầu tư vào phát triển công nghệ robot là đắt đỏ và có lẽ không hiệu quả tức thì. Tuy nhiên, nó lại trở nên vô cùng hữu dụng một khi thời cơ đến.
Có lẽ, một giải pháp hữu hiệu hơn cả là sử dụng robot nhiều hơn trong các hoạt động thông thường tại bệnh viện, đồng thời chắc chắn rằng các robot này có thể được cấu hình lại khi xảy ra các trường hợp khẩn cấp. Như vậy, các robot này sẽ vẫn hữu dụng mà không phải phụ thuộc vào hoàn cảnh.
“Ở trường hợp này, các kỹ sư sẽ không thiết kế robot chuyên biệt cho COVID-19”, Taylor nói. Theo ông, thay vào đó ta cần “tìm các giải pháp có thể được thương mại hóa rộng rãi, chứng minh được rằng chúng có lợi quanh năm.”
Smart đã hợp tác với đội bác sỹ Doctors Without Borders sau khi xảy ra đại dịch Ebola, tức sau khi xuất hiện nhiều tiềm năng ứng dụng robot trong y tế hơn.
Ông cũng khẳng định rằng, một khó khăn trong việc thiết kế các robot y tế khẩn cấp là chúng sẽ được thử nghiệm hiệu quả nhất khi xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, đó cũng là khoảng thời gian tồi tệ nhất – đặc biệt là cho các bác sỹ, những người phải dùng phương pháp thông thường trong môi trường nguy hiểm và căng thẳng cao.
“Việc giới thiệu những thứ mới vào quy trình làm việc là rất khó khăn, bởi lẽ nếu bạn làm sai, thì nhiều mạng người có thể gặp nguy hiểm,” Smart nói. Đó cũng là nguyên nhân tại sao nhân viên y tế lại cần tham gia quá trình phát triển quy trình từ những bước đầu. “Bạn không thể chỉ đơn giản là làm ra robot, mang nó tới bệnh viện, và bảo họ sử dụng nó,” ông nói.
Nếu việc ứng dụng robot trong y tế trở nên rộng rãi hơn thì chi phí cho chúng sẽ giảm đi, cùng với đó là các y bác sỹ sẽ quen thuộc với những công nghệ này hơn, đặc biệt là khi xảy ra trường hợp khẩn cấp. “Bạn sẽ phải tích hợp công nghệ trước khi tình huống trở nên căng thẳng,” Smart chia sẻ.
Theo Los Angeles Times