Ở nhiều Quốc Gia, ngay từ 7 tuổi, nhà trường đã đào tạo kỹ năng số ngay khi các em bắt đầu quan tâm đến thế giới công nghệ, khoa học máy tính, truyền thông.
Ở Việt Nam đã bắt đầu có sự quan tâm về việc đào tạo kiến thức, kỹ năng công nghệ số ở các nhà trường. Để việc trang bị kỹ năng số cho học sinh phù hợp và hiệu quả hơn, chúng tôi xin chia sẻ 10 điều cần biết về “Kiến thức công nghệ số cho trẻ em” do Unicef Việt Nam khuyến nghị.
1. Kiến thức số không chỉ là kiến thức về công nghệ
Kiến thức công nghệ số (hay kiến thức số) liên quan đến kiến thức, kỹ năng và thái độ nhằm đảm bảo an toàn và trao quyền cho trẻ em trong một thế giới số đang ngày càng lớn mạnh. Điều này bao gồm việc vui chơi, tham gia, giao tiếp, tìm kiếm và học tập của trẻ thông qua các công nghệ số. Những điểm cấu thành kiến thức số sẽ thay đổi tùy theo độ tuổi, văn hóa và bối cảnh địa phương của trẻ.
2. Trẻ em cần phải có kiến thức công nghệ số ngay cả khi các em không tham gia trực tuyến
Công nghệ quét nhận dạng khuôn mặt và tạo lập hồ sơ dựa vào trí tuệ nhân tạo ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ em. Việc đi học, phúc lợi xã hội và cơ hội việc làm tương lai của trẻ em có thể phụ thuộc vào mức độ hiểu biết của chính trẻ về thế giới công nghệ số xung quanh các em.
3. Kiến thức số là một phần phát triển của bất kỳ phương pháp tiếp cận học tập và phát triển kỹ năng nào
Kiến thức số thể hiện trong khuôn khổ chương trình của UNICEF nhằm tạo bước chuẩn bị cho trẻ em và thanh thiếu niên trong học tập, công việc và cuộc sống. Ngoài kiến thức số, các kỹ năng liên kết khác đối với UNICEF gồm có: kỹ năng nền tảng (biết đọc, biết viết và biết tính toán); kỹ năng chuyển đổi (hay còn gọi là kỹ năng sống, kỹ năng thế kỷ 21 hay kỹ năng mềm); và kỹ năng đặc thù công việc (kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng nghề nghiệp).
4. Các công cụ xây dựng và đánh giá kiến thức số đang phát triển nhanh chóng
Các tổ chức và công ty quốc tế đã xây dựng một vài khung năng lực công nghệ số (khung năng lực số) nhưng chưa có khung năng lực nào thích ứng với nhu cầu ở Việt Nam. Khung năng lực số là một điểm khởi đầu cần thiết vì chúng xác định ranh giới nền tảng kiến thức số, đồng thời có ảnh hưởng đến chương trình giáo dục và công tác đánh giá. Mặc dù có một loạt các tên gọi khác nhau (như kiến thức số, kỹ năng số, công dân số), khung năng lực số vẫn hội tụ đầy đủ ý tưởng về một tập hợp các năng lực bao gồm các kỹ năng kỹ thuật cũng như các kỹ năng chuyển đổi như kỹ năng giao tiếp và kỹ năng giải quyết vấn đề.
5. Hầu hết các công cụ hiện có chưa chú trọng nhiều đến trẻ em
Các khái niệm kiến thức số thường chú trọng vào đối tượng công dân ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên lại không chú trọng đến đối tượng trẻ em. UNICEF tin rằng cần phải chú trọng nhiều hơn vào kiến thức số cho trẻ em, nhất là đối tượng trẻ dễ bị tổn thương nhất vì đây là đối tượng có nhu cầu đặc biệt. Trong lĩnh vực này, mô hình quản lý rủi ro và an toàn hướng tới tiếp cận dựa trên quyền đã tạo nên một chuyển biến có tốc độ chậm tạo điều kiện cho trẻ được thể hiện, vui chơi và phát triển.
6.Truyền tải kiến thức số không hề dễ dàng
Các rào cản chính của việc biên soạn chương trình kiến thức số chính là: Giáo viên và giảng viên thiếu năng lực cần thiết; thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; khả năng kết nối thấp (nhất là ở vùng sâu vùng xa); cũng như sự thiếu hiểu biết của người ra quyết định. UNICEF Việt Nam sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng chính sách, xây dựng khung kiến thức số, xây dựng sổ tay hướng dẫn giảng dạy và các công cụ thực hành như sổ tay đào tạo và các bộ công cụ.
7. Một số khung hoặc công cụ kiến thức số hiện tại có thể phù hợp với Việt Nam
Khung hoặc công cụ kiến thức số phù hợp với Việt Nam gồm có “Khung năng lực số” (DigComp) của Liên minh Châu Âu và “Khung Trẻ em với Công nghệ số” khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do Văn phòng UNESCO Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Bangkok xây dựng. Nếu Việt Nam chọn sử dụng các khung kiến thức số hiện có, UNICEF có thể tạo thêm giá trị thông qua việc chú trọng vào trẻ em, nhất là đối tượng trẻ dễ bị tổn thương nhất.
8. Chương trình kiến thức số nên được triển khai theo ngữ cảnh
Việc triển khai các chương trình kiến thức số hiệu quả yêu cầu nhiều hơn việc đơn thuần áp dụng một chương trình hay từ nơi khác. Ngoài việc chọn khung chương trình, cách tiếp cận tổng thể kiến thức số sẽ liên quan đến công tác đánh giá sơ bộ bối cảnh quốc gia và địa phương của Việt Nam, xây dựng hướng dẫn hoạt động, tiêu chuẩn đánh giá cũng như thí điểm các công cụ thực hành và sổ tay đào tạo.
9. Cần đưa kiến thức số vào tất cả các cấp học và bao gồm cả đối tượng dễ bị tổn thương nhất
Để tránh tạo ra khoảng cách về kiến thức số, điều quan trọng là phải bổ sung kiến thức số vào chương trình giáo dục quốc gia ở tất cả các cấp học, bắt đầu từ bậc mầm non. Cần đặc biệt chú ý đến đối tượng trẻ dễ bị tổn thương (ví dụ như trẻ khuyết tật) và trẻ bị thiệt thòi (tập trung vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, khả năng chi trả, nội dung kiến thức số bằng ngôn ngữ địa phương, định kiến giới, v.v.).
10. Tìm sự cân bằng giữa An toàn trực tuyến và Quyền tham gia
Có thể chia sẻ “Dấu chân điện tử” của trẻ được tạo ra trong thời thơ ấu với các bên thứ ba, đồng thời tạo ảnh hưởng đến các cơ hội tương lai của trẻ em. Nhưng những nỗ lực nhằm bảo vệ (hoặc bảo vệ thái quá) trẻ em vì điều này cũng như bảo vệ trẻ em khỏi các rủi ro trực tuyến khác có thể cản trở khả năng trẻ thực hiện quyền tham gia của mình vì các sáng kiến an toàn với mục đích giảm thiểu rủi ro thường có xu hướng đi đôi với việc làm giảm các cơ hội. Cần có sự cân bằng giữa việc bảo vệ khỏi các rủi ro trực tuyến và việc thúc đẩy các cơ hội thời đại số. Trẻ em cần có kiến thức, kỹ năng và thái độ giúp các em phát triển khỏe mạnh trong môi trường và xã hội mà công nghệ số và kết nối toàn cầu đang ngày lớn mạnh để các em vừa được an toàn và được trao quyền theo cách phù hợp với lứa tuổi, văn hóa và bối cảnh địa phương của các em.
Nguồn: Trương Việt Hùng/UNICEF©